Hoạt chất Carbosulfan là một hợp chất hữu cơ thuộc nhóm Carbamate, thuộc nhóm độc II, LD50 qua miệng 209 mg/kg, LD50 qua da > 2000 mg/kg. Ở điều kiện bình thường, Carbosulfan là chất lỏng nhớt màu nâu, tỷ trọng 1.056 (200C), rất ít tan trong nước (0,3 ppm), tan nhiều trong dung môi hữu cơ. Carbosulfan không ổn định trong điều kiện môi trường có tính axit.
Công thức phân tử: C20H32N2O3S.
Khối lượng phân tử: 380,5 g/mol
1. Đặc điểm
• Carbosulfan có phổ tác động tiếp xúc rộng. Hoạt chất tác động qua vỏ cơ thể của nhiều loài côn trùng gây hại như sâu, nhện, tuyến trùng,... và được sử dụng trên nhiều loại cây trồng khác nhau.
• Vị độc, gây hại cho côn trùng khi chúng ăn phải thức ăn có chứa hoạt chất này.
• Khả năng hấp thụ tốt, xâm nhập mạnh, khởi phát nhanh và lưu dẫn đến khắp các bộ phận khác nhau trong cây nên tiêu diệt triệt để các đối tượng gây hại cho cả bên trong và bên ngoài cây trồng.
• Tác dụng nhanh, mạnh và hiệu lực kéo dài.
2. Cơ chế hoạt động
• Ức chế hoạt động hệ thần kinh của côn trùng, tác động đến côn trùng gây hại thông qua con đường tiếp xúc và đường tiêu hóa.
• Ngoài ra, Carbosulfan còn có tác động nội hấp và lưu dẫn lên cây trồng. Nó hấp thụ và lưu dẫn đến tất cả bộ phận trong cây. Khi côn trùng chích hút hoặc ăn phải cây có phun thuốc thì côn trùng gây hại sẽ bị ức chế cholinesterase (chất dẫn truyền xung thần kinh) và chết.
3. Độc tính
• Độc tính trung bình qua đường miệng và độc tính thấp qua da. Độc tính của Carbosulfan không tích lũy, không gây biến dạng, không gây ung thư và không gây đột biến.
• Tuy nhiên, khi Carbosulfan vào máu sẽ ức chế men acetylcholinesterase (chất dẫn truyền thần kinh), gây biểu hiện tăng tiết đàm nhớt, đau bụng, tiêu chảy, co đồng tử, tăng tiết đàm nhớt, chậm nhịp tim, hạ huyết áp, hôn mê, co giật, rung giật cơ, yếu cơ, suy hô hấp đưa đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
• Độc tính cao đối với chim, cá, động vật không xương sống thủy sinh, giun đất.
• Độc tính thấp đối với tảo.
• Độc tính trung bình đến cao đối với ong mật.
4. Một số lưu ý
• Mang đồ bảo hộ và đeo khẩu trang trong quá trình phun thuốc. Tránh để thuốc dính vào mắt, nếu không may thuốc dính vào mắt thì cần phải nhanh chóng đến bệnh viện hay cơ sở y tế gần nhất để kịp thời điều trị.
• Phun thuốc vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát.
• Nếu mật độ sâu rầy hại cao nên phun lại lần 2 sau 5 - 7 ngày.
• Thời gian cách ly là 14 ngày.
• Thuốc có thể pha trộn với các thuốc bảo vệ thực vật khác.
• Rửa tay chân và cơ thể thật sạch và kỹ sau khi tiếp xúc với thuốc.
• Không được ăn hoặc nuốt.
• Bảo quản thuốc nơi khô mát, tránh ánh sáng, không thấm nước và tránh nguồn lửa.
• Để xa tầm tay trẻ em.
Viết bình luận