Hoạt Chất Streptomycin Sulfate

Hoạt Chất Streptomycin Sulfate

1. Lịch sử

Streptomycin được phát hiện vào năm 1943 bởi Selman Waksman, một nhà vi sinh vật học người Mỹ gốc Ukraine, cùng với hai cộng sự là Albert Schatz và Elizabeth Bugie tại Đại học Rutgers. Đây là kháng sinh đầu tiên có hiệu quả chống lại vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis, tác nhân gây bệnh lao, và nhanh chóng trở thành một bước đột phá y học.

Streptomycin được phân lập từ vi khuẩn Streptomyces griseus, một loài vi khuẩn sống trong đất. Sau thành công trong y học, người ta bắt đầu nghiên cứu ứng dụng của Streptomycin trong nông nghiệp nhằm kiểm soát các bệnh vi khuẩn trên cây trồng.

2. Đặc tính và Cơ chế

• Công thức hóa học: C₂₁H₃₉N₇O₁₂·xH₂SO₄

• Độ tan: Rất dễ tan trong nước (~100 mg/mL ở 25°C). Ít tan trong ethanol, methanol.

• Dung dịch 10% trong nước có pH từ 4.5 - 7.0, tùy vào mức độ sulfat hóa.

• Khối lượng phân tử: Chưa bao gồm H₂SO₄: ~581.57 g/mol, Dạng sulfate (x ≈ 2): ~728 g/mol (tùy mức hydrat hóa).

• Bảo quản: Ổn định trong điều kiện khô ráo, tránh ánh sáng. Nhạy cảm với nhiệt độ cao, kiềm mạnh, và các chất oxy hóa. Bảo quản ở nhiệt độ 2 - 8°C (trong điều kiện lạnh, tránh ẩm).

• Cơ chế: Streptomycin thuộc nhóm aminoglycoside, gắn vào ribosome 30S của vi khuẩn, ức chế tổng hợp protein, gây ra lỗi dịch mã, dẫn đến vi khuẩn chết. Streptomycin tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả, đặc biệt với vi khuẩn Gram âm gây bệnh cây.

3. Ưu điểm

• Hiệu quả nhanh và rõ rệt: Streptomycin có khả năng diệt khuẩn mạnh, giúp kiểm soát nhanh chóng các bệnh hại do vi khuẩn, đặc biệt trong giai đoạn đầu của dịch bệnh.

• Phổ tác động rộng: Có hiệu lực với nhiều loại vi khuẩn Gram âm và một số vi khuẩn Gram dương.

• Phối hợp linh hoạt: Có thể kết hợp với nhiều loại thuốc khác để mở rộng phổ tác dụng, ví dụ: Kasugamycin, Oxytetracycline, Copper Oxychloride...

4. Nhược điểm

• Kháng thuốc: Việc sử dụng lặp lại và không đúng liều dễ dẫn đến tình trạng vi khuẩn kháng Streptomycin, làm giảm hiệu quả về lâu dài.

• Tác động lên hệ vi sinh vật đất: Streptomycin có thể làm thay đổi cân bằng vi sinh vật tự nhiên trong đất, ảnh hưởng đến độ màu mỡ và sức khỏe của đất canh tác.

• Tồn dư và nguy cơ lan truyền kháng sinh: Dư lượng kháng sinh trên nông sản hoặc trong môi trường có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người và làm lan rộng gen kháng kháng sinh.

• Hạn chế trong chính sách: Nhiều quốc gia đã hạn chế hoặc cấm sử dụng Streptomycin trong nông nghiệp, đặc biệt trong sản xuất hữu cơ, do lo ngại về an toàn sinh học.

5. Công dụng

• Trong nông nghiệp, Streptomycin Sulfate (5-10% WP) kết hợp với thuốc với các dòng thuốc bệnh khác như Kasugamycin, Ningnanmycin, Oxytetracyline, Copper Oxychloride,… nhằm tăng phổ tác động, tối uu hiệu quả và hạn chế kháng thuốc.

• Công dụng chính là phòng và trị bệnh do vi khuẩn, trên lúa (bạc lá, lem lép hạt), cây ăn quả (loét, cháy lá), rau màu (đốm lá, thối nhũn), xử lý hạt giống và bảo quản nông sản.

6. Cách sử dụng

• Quản lý kháng sinh hiệu quả

- Thay đổi thuốc: Sử dụng xen kẽ nhiều loại (Kasugamycin, Copper Oxychloride) để giảm nguy cơ kháng thuốc trên vi khuẩn.

- Dùng đúng liều: Tuân thủ liều lượng khuyến cáo, tránh lạm dụng và dùng quá liều.

• Tích hợp IPM: Kết hợp Streptomycin với các biện pháp khác như giống kháng, vệ sinh đồng ruộng, kỹ thuật canh tác để hạn chế bệnh và giảm thuốc hóa học.

Bài trước Bài sau
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
index