🤔 Vì sao Thanh Long ruột đỏ xuất đi Nhật phải bán ra chợ?
- Người viết: Đoàn Thị Phương Dung lúc
- Tin thị trường
- - 0 Bình luận
Với yêu cầu mới về mã số vùng trồng và bảo hộ giống quá bất ngờ, nhiều nông dân trồng thanh long và công ty xuất khẩu sang Nhật đang gặp khó khăn.
Đầu năm nay, Công ty TNHH chế biến trái cây Yasaka (chuyên xuất khẩu trái cây đi Nhật Bản) gặp vấn đề khi 5 container (khoảng 70 tấn) thanh long ruột đỏ trị giá 190.000 USD xuất đi Nhật bị vướng rào cản bất ngờ. Đó là thông báo từ Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II (thuộc Cục Bảo vệ thực vật) về việc áp dụng mã số vùng trồng cho trái thanh long ruột trắng và thanh long ruột đỏ khi xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản.
Do yêu cầu quá gấp và phức tạp nên không ít doanh nghiệp phải đem thanh long xuất khẩu ra bán tại các chợ đầu mối, thiệt hại đơn hàng xuất khẩu không nhỏ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh việc phải có mã số vùng trồng thanh long, xoài là yêu cầu của phía Nhật Bản. "Có nhiều giống thanh long ruột đỏ nhưng phía Nhật Bản chỉ chấp thuận nhập khẩu thanh long ruột đỏ LD1. Cũng như chỉ có xoài Cát Chu xuất khẩu được sang thị trường này, còn các loại xoài khác thì không. Do đó, khi làm hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu sang Nhật thì doanh nghiệp phải chứng minh được đây đúng là giống thanh long ruột đỏ LD1" - đại diện Cục Bảo vệ thực vật nói.
Sơ qua về giống thanh long ruột đỏ LD1:
- Giống thanh long ruột đỏ LD1 (Long Định 1) là giống lai hữu tính, có nguồn gốc từ lai giữa giống thanh long ruột trắng Bình Thuận (làm mẹ) và giống thanh long ruột đỏ Colombia (làm bố). Trọng lượng quả trung bình 380- 400g; hình thon dài , vỏ quả màu đỏ tươi, sáng và bóng đẹp; tai quả màu xanh đến xanh đỏ và cứng ở mức trung bình-khá. Thịt quả màu đỏ tím, vị ngọt chua nhẹ
- Năng suất: Cây cho quả sau 1 năm trồng, năng suất đạt 6-8 kg/trụ/năm; cây 2 năm tuổi, năng suất đạt 22-25 kg/trụ/năm (22-25 tấn/ha/năm) và cây từ 3 năm tuổi trở đi đạt trung bình 40 kg/trụ/năm (40 tấn/ha/năm).
Về phía công ty TNHH chế biến trái cây Yasaka - Ông Nguyễn Trọng Trung Dũng, phó giám đốc cho biết yêu cầu này "như trên trời rơi xuống" vì từ khi Nhật Bản chính thức cho phép nhập khẩu trái thanh long trắng vào năm 2009 và thanh long đỏ năm 2017 thì hai loại trái cây này xuất khẩu qua Nhật mà không cần mã số vùng trồng.
Tuy nhiên, theo Ông Nguyễn Trọng Trung Dũng, vấn đề vướng mắc lớn nhất là để có mã số vùng trồng thì phải chứng minh giống đang trồng là LD1. Trong khi từ tháng 5-2017, Viện Cây ăn quả miền Nam đã bán bằng bảo hộ giống cây trồng thanh long ruột đỏ LD1 cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit với thời gian bảo hộ lên tới 20 năm. Nhưng trước sự kiện này khoảng 7-8 năm về trước, Viện Cây ăn quả miền Nam đã bán giống thanh long ruột đỏ cho bà con trồng đại trà rất nhiều ở các tỉnh miền Tây. Do đó, nông dân rất khó được cấp giấy chứng nhận nguồn gốc giống để được cấp mã số và mất thời gian chứ không thể ngày một ngày hai.
Ông Nguyễn Như Cường - cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết hiện một số nước nhập khẩu nông sản yêu cầu nước xuất khẩu phải có chứng nhận nguồn gốc giống : "Hiện nay, Công ty Hoàng Phát Fruit đã mua bằng bảo hộ giống cây trồng thanh long ruột đỏ LD1 của Viện Cây ăn quả miền Nam. Do vậy, doanh nghiệp khác muốn được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu thì phải làm việc với Công ty Hoàng Phát Fruit để có chứng nhận nguồn gốc giống. Việc này nhằm tránh vi phạm quyền bảo hộ giống cây trồng theo Luật sở hữu trí tuệ, đồng thời đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu" - ông Cường nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Khắc Huy - giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit - cho biết ngay từ năm 2015, khi Viện Cây ăn quả miền Nam lai tạo thành công giống thanh long ruột đỏ LD1, ông đã quan tâm và đàm phán mua lại giống này với giá 5 tỉ đồng. Đến năm 2017 thì hoàn tất việc đăng ký chứng nhận quyền sở hữu cũng như bảo vệ giống thanh long này. Ông Huy cho rằng muốn cạnh tranh với các nước thì phải có giống chất lượng, do đó cần các nhà khoa học lai tạo.
Trước những phản ánh liên quan khó khăn trong xuất khẩu thanh long ruột đỏ LD1, Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT vừa tổ chức cuộc họp giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp và một số hợp tác xã và doanh nghiệp xuất khẩu thanh long của 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Bình Thuận.
Tại cuộc họp, đại diện Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit cho biết đối với thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, người dân nào đang trồng giống thanh long LD1 từ Viện Cây ăn quả miền Nam cung cấp cây giống khảo nghiệm thì công ty sẵn sàng bao tiêu sản phẩm với giá cả hợp lý cho bà con, theo tiêu chuẩn của thị trường Nhật Bản, cao hơn thị trường 20 - 30%.
Theo Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, việc bảo hộ và chuyển nhượng quyền bảo hộ hoàn toàn phù hợp, đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam và Hoàng Phát đã minh bạch việc chia sẻ bản quyền thanh long ruột đỏ LD1. Đây là cơ sở để trái thanh long Việt Nam phát triển trong thời gian tới. Ông Cường đề nghị Công ty Hoàng Phát Fruit sớm có văn bản cam kết gửi Bộ NN-PTNT và Cục Trồng trọt cũng như các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất và xuất khẩu thanh long để tạo điều kiện thuận lợi cho thanh long được xuất khẩu.
Viết bình luận