Quy trình nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam như thế nào?

Quy trình nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam như thế nào?

Ở một quốc gia nông nghiệp như Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là sản phẩm không thể thiếu. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc BVTV cần phải đúng loại, đúng cách, nếu không sẽ gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với môi trường. Các bạn theo dõi page của King Elong ắt hẳn cũng biết rằng King Elong hoạt động trong ngành thuốc BVTV, King Elong đã chia sẻ với các bạn về thông tin về thị trường cũng như các loại chứng từ và các loại phí thường gặp khi nhập khẩu thuốc, tuy nhiên về quy trình nhập khẩu thuốc cần làm tại Việt Nam thì không phải ai cũng biết được, hãy cũng King Elong xem qua điều kiện cũng như quy trình này như thế nào nhé!

I. Điều kiện nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật

Khi nhập khẩu thuốc BVTV, có 2 trường hợp:

- Thuốc cần giấy phép nhập khẩu

- Thuốc không cần giấy phép nhập khẩu

1. Trường hợp nhập khẩu cần giấy phép nhập khẩu:

👉 Thuốc BVTV chưa có trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam để tạm nhập, tái xuất hoặc nhập khẩu để sản xuất tại Việt Nam nhằm mục đích xuất khẩu theo hợp đồng đã ký với nước ngoài.

👉 Thuốc BVTV để xông hơi khử trùng chứa hoạt chất Methyl Bromide và các hoạt chất có độ độc cấp tính loại I, II theo hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS). Đối với loại thuốc BVTV này, khi nhập khẩu phải được cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật ở trung ương kiểm tra nhà nước về chất lượng thuốc khi nhập khẩu và chỉ được nhập khẩu khi đạt yêu cầu theo quy định của pháp luật.

👉 Thuốc BVTV chưa có trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam nhập khẩu để khảo nghiệm nhằm mục đích đăng ký thuốc BVTV.

👉 Thuốc BVTV chưa có trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam nhập khẩu để thử nghiệm, nghiên cứu sử dụng trong các dự án của nước ngoài tại Việt Nam, thuốc BVTV làm hàng mẫu, hàng phục vụ triển lãm, hội chợ và sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

👉 Thuốc trong Danh mục thuốc BVTV cấm sử dụng tại Việt Nam nhưng nhập khẩu để làm chất chuẩn.

2. Trường hợp nhập khẩu không cần giấy phép nhập khẩu:

👉 Khi tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký thuốc BVTV trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam được nhập khẩu hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nhập khẩu thuốc đó.

👉 Các loại thuốc nhập khẩu không nằm trong Danh mục các loại thuốc BVTV yêu cầu có giấy phép nhập khẩu nêu trên.

👉 Nhập khẩu thuốc BVTV phải được cơ quan chuyên ngành kiểm tra về chất lượng sản phẩm và chỉ được nhập khẩu khi đạt yêu cầu theo quy định của pháp luật.

II. Mã HS thuốc BVTV

3808: Mã HS đối với các loại thuốc BVTV có mục đích trừ côn trùng, diệt cỏ, diệt các loài gặm nhấm gây hại, diệt nấm, điều hoà sinh trưởng cây trồng, ... Mã HS rất quan trọng trong quá trình nhập khẩu, nó sẽ được thể hiện trên Bill of Lading (vận đơn) và chứng nhận xuất xứ, nếu có sai sót trong phần mã HS sẽ không thể làm được thủ tục hải quan. Trong đó:

- 380891. Mã HS thuốc khử côn trùng.

- 380892: Mã HS thuốc trừ nấm.

- 380893: Mã HS thuốc diệt cỏ, thuốc chống nảy mầm và có tác dụng điều hoà sinh trưởng cây trồng.

- 380894: Mã HS thuốc khử trùng.

- 380899: Mã HS các loại thuốc bảo vệ thực vật khác.

III. Quy trình nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật cần làm tại Việt Nam

👉 Xin giấy phép nhập khẩu nếu mặt hàng nhập khẩu về thuộc diện phải xin giấy phép như ở trên đã liệt kê.

👉 Đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng thuốc BVTV nhập khẩu tại Cục BVTV. Phải có hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng mới được mở tờ khai phân luồng nhập khẩu (hải quan không cho nợ, không có là không được mở tờ khai).

👉 Sau khi mở tờ khai phân luồng, người nhập khẩu được phép đưa hàng về kho bảo quản trước khi có kết quả giám định. Trong vòng 2 ngày kể từ khi mở tờ khai, Cục BVTV sẽ xuống kho của doanh nghiệp để lấy mẫu về kiểm tra. Thường thì thời hạn 5 - 7 ngày sẽ có kết quả kiểm tra, nếu kéo dài thì bên Cục BVTV sẽ thông báo.

👉 Lô hàng thuốc BVTV chỉ được thông quan nhập khẩu khi có chứng thư mẫu đạt yêu cầu về kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng thuốc BVTV nhập khẩu của Cục BVTV. Khi hàng hóa được thông quan, mẫu đạt chất lượng yêu cầu đồng nghĩa với việc được phép tiêu thụ sản phẩm ngoài thị trường.

Ngoài làm việc với nhà xuất khẩu về hàng hóa, lịch tàu, thì người nhập khẩu cần chuẩn bị thêm các giấy tờ như trên để phục vụ cho việc đăng ký kiểm tra chất lượng và thủ tục hải quan như vậy mới hoàn tất được việc nhập khẩu một lô hàng nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật. Mong rằng bài viết này có thể giúp các bạn hiểu cơ bản về quy trình nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật cần làm tại Việt Nam. Về phần chi tiết các loại giấy tờ nhập khẩu cho từng loại thuốc bảo vệ thực vật, hẹn gặp lại các bạn ở các bài viết sau nhé!

 

Bài trước Bài sau
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
index