Surrendered B/L, Telex release, Seaway B/L - 3 thuật ngữ riêng biệt nhưng gần chung một ý nghĩa

Surrendered B/L, Telex release, Seaway B/L - 3 thuật ngữ riêng biệt nhưng gần chung một ý nghĩa

Hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu & giao nhận, trong trường hợp khi xuất nhập khẩu lô hàng được vận chuyển bằng đường biển, người gửi hàng sẽ được cấp 1 loại giấy tờ, đây có thể được xem là biên lai nhận hàng, bằng chứng cho hợp đồng vận tải và làm chứng từ chứng minh quyền sở hữu lô hàng – Vận đơn đường biển (B/L).

Thông thường, khi xuất nhập khẩu bằng đường biển, sau khi tàu chạy Shipper (người gửi hàng) sẽ yêu cầu hãng tàu hoặc Forwarder phát hành vận đơn gốc (Original B/L) thành 03 bản. Sau đó đưa lại 03 bản đó cho Shipper.

Sau khi nhận vận đơn gốc, Shipper chuyển cả 03 bản cho Consignee (người nhận hàng) bằng đường Air. Khi hàng về đến cảng của người nhận, họ buộc phải mang 03 bản gốc ấy đến hãng tàu và đóng các phí Local charge. Khi đó hãng tàu mới chấp nhận giao D/O tức cho phép người nhận hàng được nhận lô hàng.

Thế nhưng, việc gửi vận đơn gốc từ Shipper sang Consignee để họ cầm đi nhận hàng vừa mất thời gian, vừa tốn tiền, thủ tục lại lằng nhằng, phiền hà.

Chả may làm mất vận đơn gốc, lúc này hãng tàu sẽ không cấp lại, muốn nhận hàng Consignee phải cam kết đóng tiền thế chấp , thường là 110% giá trị của hàng và giữ trong vòng 2 năm. Hoặc trong thực tế có nhiều trường hợp hàng đã đến cảng mà B/L gốc chưa đến tay Consignee.

Lúc này người nhập khẩu sẽ chuyển sang sử dụng SURRENDERED B/L để có thể nhận hàng tại cảng đến mà không cần xuất trình B/L gốc.

1. Surrendered B/L

Surrendered B/L là vận đơn thông thường được người chuyên chở hoặc đại lý đóng thêm dấu “SURRENDERED – ĐÃ XUẤT TRÌNH" với ý nghĩa “bản gốc đã được nộp lại, đã được thu hồi hoặc không có bản gốc” và có nội dung hầu như giống với vận đơn gốc.

Để làm Surrendered B/L, thực tế Shipper chỉ cần yêu cầu hãng tàu hoặc Forwarder làm luôn Surrendered B/L, không yêu cầu làm vận đơn gốc. Làm Surrendered Bill sẽ tiết kiệm được thời gian và thủ tục trong việc giao nhận.

Về bản chất, Surrendeedr B/L chỉ như một tờ giấy biên nhận của hãng tàu đối với Shipper mà không có các chức năng đầy đủ của vận đơn đường biển, do đó trên thực tế Surrender B/L thường được sử dụng trong các trường hợp Shipper tin cậy đối tác.

2. Telex release (Điện giao hàng)

Điện giao hàng ở đây được hiểu nôm na là 1 cuộc điện thoại, Fax hoặc Email ...của hãng tàu hoặc Forwarder yêu cầu đại lý hoặc văn phòng của họ tại cảng đến giao hàng cho Consignee mà không cần vận đơn gốc.

Thực tế kể cả khi không phát hành vận đơn gốc, khi hàng đến cảng đến, Shipper vẫn có thể yêu cầu hãng tàu hoặc Forwarder không được giao hàng cho Consignee bằng cách yêu cầu hãng tàu hoặc Forwarder chưa được làm Telex Release, khi đó vận đơn vẫn chưa được Surrendered, vì thế Consignee vẫn chưa thể nhận hàng, trường hợp này phát sinh cũng khá phổ biến.

Đôi khi các bên đóng dấu Telex Release lên B/L thay cho chữ Surrendered, và nó được hiểu theo nghĩa tương tự.

3. Seaway B/L

Khái niệm Seaway Bill hiểu đơn giản nó cũng tương tự như 1 vận đơn bình thường nhưng đáp ứng được tính nhanh gọn và đỡ mất chi phí trong việc giải phóng hàng cho Consignee.

Điểm khác so với Surrendered B/L là Surrendered B/L đã phát hành một bộ B/L gốc và sau đó thu hồi lại, trong khi Seaway B/L thì không.

Khi người vận tải phát hành Seaway B/L cho Shipper, người vận tải sẽ thông báo cho đại lý ở cảng đến. Lúc này lô hàng xem như đã được “ thả ra sẵn”. Việc thả hàng diễn ra rất nhanh qua hệ thống điện tử nội bộ của hãng tàu nên còn gọi là Express Release.

Như vậy về khái niệm Telex release, Surrendered và Seaway là khác nhau, nhưng ý nghĩa của nó gần tương tự nhau, đó là khi vận đơn đã được Telex, Surrendered hay Seaway, nó đều được hiểu rằng người gửi hàng (Shipper) đã chấp nhận giải phóng hàng cho bên nhận hàng (Consignee) vô điều kiện.

 

Bài trước
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.
index